CẢI TẠO SỬA CHỮA NHÀ QUẬN TÂN BÌNH
NGÀY ẤY – BÂY GIỜ ( Chuyện cà-phê-dư)
1. Hôm rồi, cô Tri Pham có giao cho tôi “biên tập” cho tập thơ “Ngày ấy – bây giờ” làm kỷ niệm thuở cô trò còn làm báo trường Tống Phước Hiệp những năm 1969 – 1971. Tôi chọn một số bài thơ các bạn làm ngày ấy (thuở học trò) và bây giờ (già, hưu). Không có khoảng giữa! Làm xong, tôi đưa bạn già chuyển sang ebook. Lão đọc rồi cười, không ngờ tao đã làm được những bài thơ như vậy, giờ quên tuốt luốt.
2. Nhớ hồi 15, 16 tôi chúng tôi đã bắt đầu làm thơ, với “sứ mệnh” hẳn hoi: trở thành nhà thơ … lớn! Muốn vậy thì phải đọc. Từ Bùi Giáng tới Thanh Tâm Tuyền, Từ Nguyên Sa đến Du Tử Lê, Từ Kế Tường, Phạm Thiên Thư, kể cả các nhà thơ “xưa” hơn như Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Xuân Diệu… Riết rồi thơ của các ông ấy nhập tâm lúc nào không hay, giờ đọc lại thấy hình như …”đạo”! Bạn già lập luận: Từ xưa đến nay, từ thơ Đường đến thơ mới, từ Âu sang Á, có bấy nhiêu “ý tứ” , thấp thoáng đâu đây, xài đi xài lại… Nhưng cái khác là sau mỗi “ý tứ” đó là cảm xúc thực từ “tâm” của người làm thơ. Tôi cười, vậy là những hình tượng quen thuộc như ”nắng đọng”, “suối mây”… trong thơ Y Thu lại có cách biểu đạt khác:
“Nắng đọng trên bờ môi” (thay vì trên vai, trên tóc)
“ Chiều như muốn khóc/ trên suối mây huyền” (thay vì tóc mây huyền)
Hay với Thư Duy, trong hai câu thơ: “thu người mặc áo vàng/ tiễn người thơ ngây”, hình tượng “mủa thu – áo vàng” trong bài thơ nầy lại khác, đó là hình tượng cô bé 16 tuổi chết trẻ (giã từ tuổi thơ ngây), như thu người lại để mặc áo quan (áo vàng)!
Nghĩ ra, hồi xưa cũng “đáo đễ” nhỉ?
3. Đó là ngày ấy. Bây giờ, về già, rỗi rảnh, vài lão lại đâm ra viết tạp bút, làm thơ… đăng facebook, rồi gom gom lại thành ebook đọc chơi, chả có sứ mệnh sứ mạng gì to bự cả. Nên, cũng chả để ý gì đến đạo văn, đạo thơ ai. Như vài năm trước, nhân Bob Dylan nhận giải Nobel văn học, tôi có viết bài so sánh giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, tưởng “phát kiến” gì hay, đến hôm qua, dạo nhà sách, thấy có một tác giả nước ngoài đã viết một quyển sách đồ sộ về vấn đề nầy!
Nhưng không sao, đến như Nguyễn Du viết Truyện Kiều hay là thế, mà cũng kết: “Mua vui cũng được một vài trống canh” đó thôi!