TÌNH YÊU THỜI…LÝ LỊCH!
TÌNH YÊU THỜI…LÝ LỊCH!
1. Trường Cao Đẳng Sư Phạm, hiện đã mất tên do “được” sáp nhập vào trường Cao Đẳng Vĩnh Long. Trước 1975 đó là trường Sư Phạm Vĩnh Long, một trong bốn trường đào tạo giáo viên bậc tiểu học danh giá nhất thời Việt Nam Cộng Hòa. Hồi đó, học trường nầy là “le” lắm, ra trường làm thầy làm cô, lương ổn định, sinh con có phụ cấp đủ nuôi, nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì có khối kẻ ước ao. Khi chiến tranh ác liệt, đây còn là nơi cho các chàng trai nương thân, hoãn dịch, dù phải chịu SPVL (số phận về làng)!
Sáng nay, tôi có dịp qua ngang trường. Nhìn, thấy người ta đang mở lối vào một thời là khu ký túc xá nữ, chuẩn bị đập bỏ làm đại lộ Võ Văn Kiệt nối dài, qua cầu lộ 2 đang bắc. Nó đã bị treo án “tử” gần chục năm nay, nên rong rêu cỏ dại mọc đầy!
2. Nhớ, năm 1974, tôi là anh chàng sinh viên năm 2 Đại học sư phạm Sài gòn, thích “làm thơ và mơ mộng”, lại đang (hình như)…thất tình (một bạn thời trung học)! Tình cờ, làm quen được cô sinh viên SPVL năm thứ nhất, có chiếc răng khểnh rất dễ thương, đang trọ học trong khu nội trú. Hồi đó, khu nội trú nữ có kỷ luật ghê lắm, ra vào (dù ngày chủ nhật) phải có giấy phép, tiếp khách cũng chỉ ngày chủ nhật, tại phòng khách của khu. Có thời gian, chủ nhật nào khi về Vĩnh long tôi cũng “ngồi đồng” ở phòng khách, đợi tiếng loa kêu tên “nàng”, mà, do “làm kiêu” hay bận gì đó, khi nào cũng đợi khá lâu, vài lần đủ thời gian tôi làm được một bài thơ viết vội, tặng ngay khi gặp.”Nàng” chắc cũng cảm động lắm. Vậy thôi, có ngỏ tình ngỏ ý gì đâu (người 21 người 18 thôi mà).
Cuối năm 1974, tôi ra trường dạy học ở Vũng Liêm. Chiến tranh đã ác liệt lắm. Tôi có làm bài thơ khi nhớ về cô ấy, khi ngắm trăng lên cạnh bờ khúc quanh sông ngang chợ:
Sông quanh vòng xuyến tay em
Nửa đêm chợt lóng lánh thềm trăng mơ
Hiếm khi súng đạn ơ hờ
Hiếm khi rỗi rảnh thẩn thờ nhớ nhau…
3. Rồi giải phóng 30 tháng tư 1975. Tôi và cô ấy lạc nhau, không một lời từ tạ. Mấy năm sau, tình cờ tôi biết tin “nàng” đã chuyển nhà về Sài Gòn. Lúc đó, thầy cô giáo không còn “le” vì hưởng phụ cấp nghèo (đôi khi đói do bị nợ lương), đáp xe đò từ VL lên TĐ tìm lại người xưa, rồi thấy “người xưa” không như xưa nữa. Tình cảm không đủ chín cho một lần trở lại!
Về già, ngẫm nghĩ, thời mới giải phóng, tình yêu và lý lịch có quan hệ gì với nhau không? Lý lịch có “chen” vào chi phối, và chiếm bao nhiêu phần trăm cho những cuộc hôn phối hoặc chia tay?
Tôi thời đó, có “tình cảm” với 2 cô gái mà rốt cuộc…chẳng được gì. Đầu tiên là “nàng” SPVL, sau giải phóng cha cô ấy là một cán bộ từ khu trở về, “lý lịch” bổng trở nên rực rỡ. Thời mà người ta dùng lý lịch để xếp hạng ưu tiên vào đại học, chắc nàng cũng “sẵn lòng” bỏ SP để vào học đại học ngành “ danh giá,tiền bạc” hơn (?!). Và, phải chăng, lúc đó tôi chỉ là một anh giáo nghèo huyện lẻ? Sau nầy, gặp lại, tôi không hỏi về điều đó (bởi, cũng chẳng để làm chi).
Rồi đến MC, một cô gái khác, có số phận khác. Cha MC là quan chức chế độ cũ, lúc nào cũng nuôi mộng thuyền nhân, tôi đã gặp ông ấy và bị …”đuổi” thẳng thừng. Sau một chuyến vượt biển bất thành, cô ấy như điên dại và mất sớm!
Ngẫm ra, hồi đó, tôi là kẻ …đứng giữa hai đầu…lý lịch!
4. Giờ sắp 70, lên lão đã lâu. Đi ngang trường đã mất tên, nghĩ những điều được, mất, thấy như bụi phấn, vương vãi từ chữ nghĩa, giáo khoa…