VỀ ĐÂU CÔ GÁI TÂY NGUYÊN
VỀ ĐÂU CÔ GÁI TÂY NGUYÊN…
1. Tuổi hai mươi, rất thích bài hát “Còn chút gì để nhớ” (Thơ Vũ Hữu Định – Phạm Duy phổ nhạc). Ước mong, một ngày nào đó, được lên tây nguyên…
Năm 1998 (hình như), coi thi ở Kontum, gần với Pleiku, đạt được niềm mong ước.
Đi trên phố, thấm hai câu: “Phố núi cao phố núi mù sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật gần…” , bởi, đúng là ở tây nguyên, khi lên đỉnh dốc, có cảm giác đầu đụng mây trời…
Coi thi buổi sáng, buổi chiều tự do. Tôi đang lang thang trong khu vườn rộng của nhà thờ gỗ (?), tình cờ gặp một cô gái, dễ thương, đúng như tưởng tượng thời trẻ: “Em Pleiku má đỏ môi hường…”. Cô ấy dẫn tôi xem bức tượng thiếu nữ bằng gỗ (có lẽ tạc từ một gốc cây rừng), đầu búi cao, rất đẹp, giống bức tranh của điêu khắc gia trước 1975 (không phải nhà thơ trẻ trùng tên hiện nay) Lê Thiếu Nhơn. Tôi nhờ cô chụp bức ảnh tôi-bên-tượng-gỗ,cười tươi…
2. Năm 2017, trong một hành trình xuyên Việt bằng xe, tôi ghé qua Nhà thờ gỗ Kontum. Tôi tìm khắp khu vườn trong khuôn viên nhà thờ mà không thấy tượng cô gái ấy (và dĩ nhiên, cô-gái-má-đỏ-môi-hường ấy).
Rồi tôi nghi ngờ, “thiếu nữ” ấy không phải ở nhà thờ gỗ, mà ở một nơi nào đó trên cao nguyên bao la! Vì thực ra, cái ghi chú ngày tháng, nơi chốn… mà tôi viết trên bức ảnh chỉ dựa vào trí nhớ… Mà, trí nhớ thì…
Tối năm 2017 đó, về khách sạn, tôi ghi vội mấy dòng…
Lang thang trong chiều phố núi
Ngậm ngùi tìm em, mù sương
Mơ hồ cao nguyên lộng gió
Về đâu má đỏ môi hường
Lá xanh rồi lá cũng vàng
Em hóa thân xưa thành bụi?
Tìm chi để thấy muộn màng
Cầm bằng qua nhau rất vội…
________________
PS: Tỉnh nhỏ cũng vờ như mùa thu, màu vàng (giờ không dùng số 15,16, 19… nữa)! Nhưng cũng hồi hộp vì bà-cô-mà-ai-cũng-biết đang rập rình đâu đó! Viết trong khi chờ Sài gòn cũng chuyển vàng, để, cà phê bè bạn…